Trước sự cố tàu thuyền bị trôi, đứt dây neo đậu xảy ra tại cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu cần xem xét, rút kinh nghiệm về vấn đề này.
Sáng 31/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức họp trực tuyến với 4 tỉnh: Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định nhằm rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó bão số 5 và triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, sáng sớm ngày 31/10, bão số 5 sau khi đi vào đất liền tại các tỉnh Bình Định-Phú Yên đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Tại An Nhơn (Bình Định) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Quy Nhơn (Bình Định) gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Hoài Nhơn (Bình Định) gió giật cấp 9.
Hồi 4h ngày 31/10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên đất liền tỉnh Gia Lai. Sức gió mạnh nhất vùng gần ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 31/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 106 độ Kinh Đông, trên lãnh thổ Campuchia.
Ảnh hưởng của bão số 5 đã gây ra sự cố tàu thuyền tại Quy Nhơn, Bình Định. Trong đó, 7 tàu vận tải/70 thuyền viên tại cảng Quy Nhơn bị trôi. Tính đến 2h30 ngày 31/10 còn 1 tàu bị mắc cạn, 1 tàu thả trôi và hiện vẫn giữ liên lạc, 5 tàu đã khắc phục đảm bảo an toàn.
70 tàu cá (tàu gỗ) loại vừa và nhỏ neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn bị đứt neo, bị dồn xô, va đập. Đến nay, có 25 tàu được khắc phục và đi vào nơi neo đậu an toàn (còn lại 45 tàu đang được hỗ trợ xử lý); có 1 tàu/3 người bị trôi ra ngoài cảng đã được cảng vụ cứu hộ an toàn về người.
Thiệt hại ban đầu, có 2 người bị thương (tại Quảng Ngãi); mưa lũ gây sạt lở đất phải di dời khẩn cấp 29 hộ tại huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Đồng thời, nhiều địa phương thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị sự cố và mất điện.
Phát biểu tại buổi họp, đại diện UBND tỉnh Bình Định cho biết, ứng phó với bão số 5, địa phương đã triển khai tích cực các biện pháp ứng phó. Trong đó, tất cả các hộ dân vùng xung yếu đã di dời trước 17h chiều 30/10 đến nơi an toàn. Tuy nhiên, với sức gió mạnh kéo dài, hàng nghìn cây xanh tại địa phương đã bị đổ, hệ thống điện bị ảnh hưởng, một số sự cố tàu thuyền đã xảy ra tại cảng Quy Nhơn,…Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 400 tỷ đồng.
Tại Phú Yên, theo đại diện của địa phương, bão số 5 đã làm 14 nhà dân bị sập hoàn toàn, 18 nhà bị thiệt hại từ 30-50%, 70ha cây trồng nông nghiệp bị đổ, ngập. Đồng thời, nhiều tuyến xã điện bị mất hoàn toàn. Với những khó khăn này, địa phương sẽ tiến hành khẩn trương khắc phục, đồng thời hướng dẫn người dân dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt bình thường sau bão.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là vai trò của các địa phương, tích cực chỉ đạo trong công tác phòng, chống bão số 5, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, vẫn còn sự lúng túng trong công tác chỉ đạo, nhất là việc neo đậu tàu thuyền, cần xem xét, rút kinh nghiệm, đặc biệt là các sự cố tàu tại Bình Định. Phó Thủ tướng yêu cầu cần xem xét, tìm nguyên nhân dẫn đến sự cố, đồng thời nghiên cứu khu neo đậu ở những điểm cho an toàn. Bởi, bão vào với cấp độ như vậy, nhiều tàu đã đứt neo, trôi ra xa, nếu bão mạnh hơn thì mức độ nguy hiểm còn khôn lường.
Trước tình hình dự báo mưa lớn và diễn biến thời tiết còn nhiều phức tạp, Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị, địa phương không được chủ quan trước tình hình. Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tập trung chỉ đạo cơ quan, thành viên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 5 để ứng phó.
Các Bộ, ngành theo nhiệm vụ, chức năng cùng với các địa phương tập trung khắc phục ngay hậu quả bão số 5. Trong đó, hỗ trợ cho người gặp nạn trong cơn bão, những hộ dân có nhà cửa bị sập; thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng do bão bằng nguồn lực của địa phương; khắc phục các tuyến đường giao thông, hệ thống điện, sản xuất,…
Bên cạnh đó, khu vực bão đổ bộ có nhiều hồ chứa, vì vậy, cần tập trung để quản lý. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với các địa phương chịu trách nhiệm về các hồ chứa thủy lợi.
Phó Thủ tướng đề nghị cần chủ động phương án ứng phó với tình hình thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tới, đặc biệt là bão, mưa lũ, không để bất ngờ, bị động. Nếu chủ quan, hậu quả sẽ rất lớn./.
Theo : BT
Nguồn : http://dangcongsan.vn/xa-hoi/can-rut-kinh-nghiem-trong-neo-dau-tau-thuyen-541140.html